Sổ đỏ và sổ hồng là các loại giấy tờ nhà đất quan trọng mà ai cũng quen thuộc. Tuy nhiên từ 10/12/2009, Nghị định 88/2009/NĐ-CP của Chính phủ ban hành đã thống nhất hai loại sổ này thành một loại sổ duy nhất gọi là sổ hồng mới dẫn đến sự nhầm lẫn trong đại bộ phận người dân. Hãy tham khảo bài viết sau để có thông tin chính xác nhất.
Phân biệt sổ đỏ và sổ hồng
1. Sổ đỏ
Sổ đỏ là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được ban hành bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường theo Nghị định 64-CP-1993 của Chính phủ. Tuy nhiên, nhiều người vẫn quen dùng cái tên sổ đỏ do dựa trên màu sắc của quyển sổ.
Sổ đỏ được cấp cho chủ hộ, chủ sở hữu đất nhằm chứng minh quyền sử dụng đất của chủ đất và là công cụ để bảo vệ quyền hạn, lợi ích của chủ sở hữu đất. Nội dung trên sổ đỏ thể hiện tên người sử dụng đất, thửa đất được quyền sử dụng (tên thửa đất, địa chỉ, diện tích, hình thức, mục đích, thời hạn và nguồn gốc sử dụng) và tài sản gắn liền với đất.
Về khu vực cấp sổ đỏ:
- Đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất mặt nước nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất ở thuộc khu vực nông thôn, đất chuyên dùng các loại.
- Các thửa đất có công trình nhưng không phải là nhà ở, thửa đất ở chưa có nhà hoặc nhà tạm thuộc nội thành phố, nội thị xã, thị trấn.
2. Sổ hồng
Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hay còn gọi là sổ hồng cũ được cấp bởi Bộ Xây dựng. Sổ hồng cũ có hai mẫu với:
- Mẫu 1: Cấp theo nghị định 60-CP ngày 5/7/1994 cấp cho đất tại khu vực đô thị (thị trấn, phường, thị xã, thành phố), thể hiện đầy đủ thông tin về chủ sở hữu nhà ở, đất ở, và thực trạng của nhà ở, đất ở.
- Mẫu 2: Cấp theo nghị định 90/2006/NĐ-CP cấp cho chủ sở hữu nhà ở đồng thời là chủ sử dụng đất ở, chủ sở hữu căn hộ trong nhà chung cư.
Sổ hồng cũ thể hiện đầy đủ thông tin về quyền sử dụng đất ở (số thửa, số tờ bản đồ, diện tích, loại đất, thời hạn sử dụng…) và quyền sở hữu nhà ở (diện tích xây dựng, số tầng, kết cấu nhà, diện tích sử dụng chung, riêng…).
Sổ hồng và sổ đỏ cũ đều có giá trị pháp lý như nhau và thể hiện ở tài sản được ghi nhận quyền bao gồm quyền sử dụng đối với đất và quyền sở hữu đối với nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất.
Giá trị thực tế thực tế của sổ hồng và sổ đỏ cũ tùy thuộc vào thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất như: Diện tích thửa đất, vị trí, tình trạng cũ hay mới của nhà ở và số lượng tài sản khác gắn liền với đất như cây trồng…
Sổ hồng mới và những quy định hiện hành
Để thống nhất và thuận tiện trong việc cấp và quản lý quyền sử dụng đất trên cả nước, từ ngày 10/12/2009 Chính phủ đã ban hành Nghị định 88/2009/NĐ-CP quy định thống nhất hai loại giấy nêu trên thành một loại giấy chung có tên gọi là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (hay còn gọi là sổ hồng mới), do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng mới) được cấp cho cá nhân, hộ gia đình, tổ chức sử dụng đất, sở hữu nhà ở, công trình xây dựng có đủ điều kiện.
1. Về giá trị
Sổ hồng mẫu mới có giá trị như sau:
- Chứng nhận quyền sử dụng đất;
- Chứng nhận quyền sở hữu nhà ở;
- Chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng;
- Chứng nhận quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng.
2. Về thẩm quyền cấp
Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng mới) được quy định như sau:
- Đối với địa phương đã thành lập văn phòng đăng ký đất đai:
- Sở Tài nguyên và Môi trường cấp sổ mẫu mới đối với người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản đã từng được cấp các loại giấy trước đây như giấy chứng nhận, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng khi:
- Thực hiện các quyền của chủ sở hữu dẫn đến phải cấp mới giấy chứng nhận;
- Khi đề nghị cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận;
- Tùy vào điều kiện cụ thể từng địa phương, UBND tỉnh sẽ quy định cho phép Sở Tài nguyên và Môi trường được ủy quyền cho văn phòng đăng ký đất đai cấp giấy chứng nhận cho các trường hợp này và được sử dụng dấu của Sở Tài nguyên và Môi trường.
- UBND cấp huyện sẽ cấp sổ cho đối tượng hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
- Sở Tài nguyên và Môi trường cấp sổ mẫu mới đối với người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản đã từng được cấp các loại giấy trước đây như giấy chứng nhận, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng khi:
- Đối với địa phương chưa thành lập văn phòng đăng ký đất đai:
- Sở Tài nguyên và Môi trường cấp sổ cho tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư; Tổ chức, cá nhân nước ngoài; Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
- UBND cấp huyện cấp sổ cho đối tượng hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
3. Về việc cấp đổi sang sổ hồng mới
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ cũ), Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (sổ hồng cũ) đã được cấp trước ngày 10/12/2009 vẫn có giá trị pháp lý và không phải đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Trường hợp người đã được cấp Giấy chứng nhận trước ngày 10/12/2009 có nhu cầu cấp đổi thì được đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định.
Trên đây là những thông tin cơ bản để có thể phân biệt giữa sổ hồng và sổ đỏ cùng với đó là những quy định về sổ hồng mới do TOP Bất động sản tổng hợp.