Trong cuộc sống hàng ngày thường phát sinh rất nhiều giao dịch, để đảm bảo quyền và nghĩa vụ các bên người ta thường lập ra những thỏa thuận hoặc hợp đồng cùng những điều kiện đi kèm. Vậy có gì khác nhau giữa (văn bản) thỏa thuận và hợp đồng. Hãy tham khảo bài viết sau.
Hợp đồng và (văn bản) thỏa thuận
1. Khái niệm hợp đồng
Theo Điều 385 Bộ luật dân sự 2015, hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Có thể nói, hợp đồng là giao dịch phổ biến nhất trong đời sống xã hội và là căn cứ cơ bản làm phát sinh nghĩa vụ. Trên thực tế, hợp đồng tồn tại vô cùng phong phú, đa dạng như hợp đồng mua bán, trao đổi, tặng cho, vay, cho thuê, dịch vụ, bảo hiểm, gửi giữ, ủy quyền,… Hợp đồng có thể được tồn tại dưới hình thức miệng hoặc bằng văn bản. Hợp đồng theo định nghĩa tại điều luật trên được hiểu là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
1.1. Hợp đồng bao gồm những nội dung nào?
Nội dung của hợp đồng được hiểu là tổng hợp các điều khoản trong hợp đồng do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định, về mặt khoa học pháp lý, các điều khoản trong hợp đồng được chia thành ba loại là điều khoản cơ bản, điều khoản thông thường và điều khoản tùy nghi:
– Điều khoản cơ bản: Là các điều khoản xác định nội dung chủ yếu của hợp đồng. Đó là những điều khoản không thể thiếu được đối với từng loại hợp đồng. Tùy theo từng loại hợp đồng mà điều khoản cơ bản có thể là đối tượng, giá cả, địa điểm,…
– Điều khoản thông thường: Là những điều khoản được pháp luật quy định trước. Nếu khi giao kết hợp đồng, các bên không thỏa thuận những điều khoản này thì vẫn coi như hai bên đã mặc nhiên thỏa thuận và được thực hiện như pháp luật đã quy định. Khi có tranh chấp sẽ căn cứ vào những quy định của pháp luật để giải quyết.
– Điều khoản tùy nghi: Là những điều khoản mà các bên tham gia giao kết hợp đồng tự ý lựa chọn và thỏa thuận với nhau để xác định quyền và nghĩa vụ dân sự của các bên.
1.2. Hợp đồng về nhà ở bao gồm những nội dung nào?
Giao dịch về nhà ở bao gồm các hình thức mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại, tặng cho, đổi, thừa kế, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ và ủy quyền quản lý nhà ở.
Hợp đồng về nhà ở do các bên thỏa thuận và phải được lập thành văn bản bao gồm các nội dung sau đây:
- Họ và tên của cá nhân, tên của tổ chức và địa chỉ của các bên;
- Mô tả đặc điểm của nhà ở giao dịch và đặc điểm của thửa đất ở gắn với nhà ở đó. Đối với hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua căn hộ chung cư thì các bên phải ghi rõ phần sở hữu chung, sử dụng chung; Diện tích sử dụng thuộc quyền sở hữu riêng; Diện tích sàn xây dựng căn hộ; Mục đích sử dụng của phần sở hữu chung, sử dụng chung trong nhà chung cư theo đúng mục đích thiết kế đã được phê duyệt ban đầu;
- Giá trị góp vốn, giá giao dịch nhà ở nếu hợp đồng có thỏa thuận về giá; Trường hợp mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở mà Nhà nước có quy định về giá thì các bên phải thực hiện theo quy định đó;
- Thời hạn và phương thức thanh toán tiền nếu là trường hợp mua bán, cho thuê, cho thuê mua, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở;
- Thời gian giao nhận nhà ở; Thời gian bảo hành nhà ở nếu là mua, thuê mua nhà ở được đầu tư xây dựng mới; Thời hạn cho thuê, cho thuê mua, thế chấp, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở; Thời hạn góp vốn;
- Quyền và nghĩa vụ của các bên;
- Cam kết của các bên;
- Các thỏa thuận khác;
- Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng;
- Ngày, tháng, năm ký kết hợp đồng;
- Chữ ký và ghi rõ họ, tên của các bên, nếu là tổ chức thì phải đóng dấu (nếu có) và ghi rõ chức vụ của người ký.
Theo Điều 122 Luật Nhà ở 2014 thì trường hợp mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp: Tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương; Mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; Mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; Góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; Cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở.
2. (Văn bản) thỏa thuận là gì?
Bản thỏa thuận được thể hiện bằng văn bản để trao đổi và bàn bạc về một vấn đề có liên quan tới hai hay nhiều bên cùng tham gia. Tuy nhiên, xét về mặt tính chất thì bản thỏa thuận thường là văn bản được thực hiện để bày tỏ nguyện vọng ý chí của một bên thể hiện dưới dạng bản thỏa thuận và các bên còn lại trong quan hệ liên quan đều đồng ý và phải thực hiện theo những điều đã thể hiện trong bản thỏa thuận.
Bản thỏa thuận thông thường sẽ được tiến hành xác lập khi hai bên mong muốn có được tiếng nói chung. Hai hay các bên tham gia sẽ chủ động gặp mặt, tiến hành thỏa thuận và xác lập, xây dựng bản thỏa thuận để vấn đề được giải quyết và các bên có liên quan tuân thủ theo các nội dung đã được ghi nhận trong bản thỏa thuận.
Điểm quan trọng nhất để phân biệt (văn bản) thỏa thuận và hợp đồng
Hợp đồng là một cam kết giữa hai hay nhiều bên để làm hoặc không làm một việc nào đó trong khuôn khổ pháp luật.
Trong khi đó, hiện nay không có quy định cụ thể về bản thỏa thuận. Bản thỏa thuận cũng có thể hiểu là văn bản thỏa thuận về một vấn đề nào đó giữa hai hoặc nhiều bên và các bên không nhất định phải chịu ràng buộc về các cam kết nêu ra trong thỏa thuận.
Như vậy, điểm khác nhau quan trọng nhất giữa (văn bản) thỏa thuận và hợp đồng là:
– Hợp đồng là sự thỏa thuận thống nhất ý chí giữa hai bên hoặc các bên với nhau mà phải có hậu quả pháp lý làm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Ví dụ: Bên A bán nhà cho bên B với hợp đồng kèm theo. Nếu như bên B không thực thanh toán đúng thời gian quy định trong hợp đồng thì bên A có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và yêu cầu bên B bồi thường những thiệt hại phát sinh. Trong trường hợp xấu nhất, bên A có thể kiện bên B ra cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
– Khác với hợp đồng, (văn bản) thỏa thuận có thể thể hiện ý chí của một bên hoặc sự thống nhất của các bên nhưng không có hậu quả pháp lý làm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự.
Ví dụ: Bên A và bên B cùng xác lập một “thỏa thuận hôn nhân” và cam kết thực hiện nó. Thỏa thuận này và các cam kết trong thỏa thuận không được pháp luật bảo hộ. Hình thức hôn nhân duy nhất được pháp luật bảo hộ là “Giấy đăng ký kết hôn”.
Như vậy, qua tìm hiểu sơ lược chúng ta đã nắm rõ khái niệm cũng như phân biệt được sự khác nhau giữa văn bản thỏa thuận và hợp đồng. Hy vọng những thông tin này sẽ thực sự hữu ích đối với quý khách hàng.